Tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh kéo dài trong thời gian qua gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân chính là do sự quan liêu, thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch của một số cơ quan thuộc Bộ Y tế (YT); thậm chí bộ này còn báo cáo sai sự thật về vấn đề nhạy cảm trên…
Báo cáo sai sự thật với Chính phủ
Nhiều lần các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Chính phủ chất vấn về tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị YT nhưng Bộ trưởng Bộ YT Đào Hồng Lan luôn trả lời vòng vo với nhiều lý do, mà bà không biết (hay cố tình không biết) rằng nguyên nhân chính từ Bộ YT, mà đích danh là Cục Quản lý dược (QLD) và các đơn vị liên quan đã buông lỏng quản lý, nhằm “tạo ra cơ chế xin cho”, thiếu minh bạch trong công tác QLD.
Nguyên nhân này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp (DN) tại Bộ YT, được công bố ngày 06/12.
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong giải quyết TTHC về QLD tại Bộ YT. Cụ thể, qua thanh tra 20 TTHC và 55 hồ sơ (HS) giải quyết TTHC tại 5 đơn vị thuộc Bộ YT gồm: Cục QLD, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị YT, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra sự chậm trễ trong giải quyết TTHC tại Bộ YT không chỉ gây phiền hà cho người dân, DN, mà còn dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị. Điều này còn có nguy cơ “tạo ra cơ chế xin cho”, thiếu minh bạch và gây bức xúc dư luận.
Thanh tra cũng chỉ ra rằng, Bộ YT báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, cho biết tỉ lệ HS quá hạn giai đoạn 2021-2023 là 4,97%. Tuy nhiên, thực tế tỉ lệ này là 69,8% (tăng hơn 64% so với số liệu Bộ YT báo cáo). Điều này có nghĩa là Bộ YT cố tình báo cáo sai sự thật. “Căn bệnh” này những tưởng đã kết thúc từ lâu, nhưng kỳ lạ thay nay đã xuất hiện trở lại ở Bộ YT, mà trên lĩnh vực rất nhạy cảm: liên quan đến việc cung cấp thuốc chữa bệnh và trang thiết bị YT.
Kết quả thanh tra chỉ ra 19 TTHC có HS giải quyết quá hạn, 10 TTHC quá hạn trên 50%, một số TTHC quá hạn từ 89%-90%. Một số TTHC có HS quá hạn bình quân trên 400 ngày; một số HS thời gian tiếp nhận, chuyển sang thẩm định và yêu cầu bổ sung kéo dài 2-4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp thu nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: TTCP
Đặc biệt tại Cục QLD, Thanh tra phát hiện tình trạng HS nộp trước, thẩm định trước nhưng không được giải quyết trước theo nguyên tắc. Cục này cũng chưa thực hiện công khai đầy đủ trạng thái tiến trình xử lý HS trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ YT. Nhiều HS đã hết thời hạn giải quyết nhưng vẫn theo dõi, báo cáo là đang giải quyết, trong đó có nhiều HS xin cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Tại 5 đơn vị của Bộ YT nêu trên, Thanh tra kết luận có tình trạng yêu cầu DN bổ sung, hoàn thiện HS ngoài quy định (QĐ), yêu cầu bổ sung vượt quá số lần QĐ, thậm chí yêu cầu bổ sung các QĐ đã bị bãi bỏ, sai QĐ pháp luật.
Đây là những hành vi “hành” DN, dễ dẫn đến việc “vòi vĩnh”, thậm chí dễ nảy sinh tham nhũng.

Bộ Y tế đã làm hết trách nhiệm?
Việc thiếu thuốc chữa bệnh trong danh mục bảo hiểm YT buộc người dân phải mua bên ngoài; nhiều loại hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị YT cũng không được cung ứng kịp thời, kéo dài nhiều năm qua… Tình trạng này được nhiều ĐBQH lên tiếng. Tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, Bộ trưởng YT Đào Hồng Lan cũng khẳng định Bộ YT đã làm hết trách nhiệm, QĐ pháp luật về đấu thầu đối với mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị YT đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; triển khai nhiều biện pháp khác như đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành dược phẩm… Bà Lan còn “đổ thừa” cho các cơ sở YT, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc như: thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm.
Rõ ràng giải trình của Bộ trưởng Đào Hồng Lan là không đúng sự thật, như báo cáo định kỳ sai sự thật của chính Bộ YT gửi Chính phủ. Sự thật nằm ở chính sự quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của Bộ YT.

Ngày 30/10, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ YT Đào Hồng Lan nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư YT trong thời gian qua liên quan đến vấn đề thể chế.
Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực YT và đã giải quyết được trong thực tiễn.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, có ĐBQH nói rằng tại sao cứ thay đổi như thế, nhưng những thay đổi ấy đều mang tính tích cực. Những gì vướng mắc trong thực tiễn thì phải thay đổi theo tinh thần “hoàn thiện thể chế là bước đột phá”.
“Cũng có ĐBQH nói rằng hay ngành YT không cần đấu thầu mà thích mua thì mua? Điều đó không đúng bởi chúng ta là nhà nước pháp quyền, thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý chung”, Bộ trưởng Bộ YT Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Cho ý kiến cụ thể vào lần sửa đổi Luật Đấu thầu này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin bộ đã làm việc với các địa phương, bệnh viện, cơ sở YT để rà soát lại xem những vấn đề gì còn vướng mắc.
Thể chế đã được giải quyết, kể cả việc sửa đổi Luật Đấu thầu, nhưng những vấn đề tồn tại tiêu cực ngay trong các đơn vị trực thuộc Bộ YT chưa giải quyết, thậm chí đã xuất hiện những biểu hiện quan liêu, báo cáo sai sự thật với Chính phủ. Những sai phạm như vậy góp phần dẫn đến tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh trong thời gian qua, cần phải được xử lý nghiêm minh.