Nhiều người trẻ mong muốn đi xuất khẩu lao động
Làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao, lại tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, tăng khả năng ngoại ngữ nên nhiều người trẻ có mong muốn được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Số người đi làm việc ở nước ngoài vượt kế hoạch
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; lại có đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội. Hiện nay, nhiều người trẻ có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để thay đổi bản thân và cuộc sống gia đình.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở việc Bộ LĐTB&XH đặt ra mục tiêu năm 2024 đưa 125.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng, 10 tháng của năm 2024, các DN XKLĐ đã đưa được 130.640 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 104% kế hoạch.
Cùng với việc nỗ lực giải quyết việc làm trong nước, TP Hà Nội cũng chú trọng giải quyết việc làm thông qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, việc triển khai chương trình đưa người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo chương trình FPS và IM Japan đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội cho người lao động. Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội trong 10 tháng của năm 2024, trên địa bàn TP đã có 4.034 người lao động được đi XKLĐ.

Để tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận với DN XKLĐ, khi Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện các phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động đều mời những DN được cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia.
Tại những phiên này, nhiều người lao động, học sinh, sinh viên được tìm hiểu thông tin về du học nghề, XKLĐ để có những sự chuẩn bị cho bản thân.
Vừa tìm hiểu các công ty tổ chức đưa người đi du học nghề, XKLĐ ở Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024, em Tạ Duy Anh – học sinh lớp 12A1 Trường THPT Trần Phú (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) chia sẻ: “Em mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT được đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc), ngành Cơ khí để có thu nhập cao và học hỏi được văn hóa của nước họ. Tại phiên GDVL, em được nhân viên các công ty XKLĐ tư vấn về điều kiện cũng như những kỹ năng cần có trước khi ra nước ngoài làm việc. Em dự tính ngay sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ học tiếng Trung Quốc để được sớm được đi XKLĐ”.
Chuyên gia, lao động xuất khẩu mỗi năm gửi về nước khoảng 10 tỷ USD
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng kết 10 năm công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hiện thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm. Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD…

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, 10 năm qua, hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta.
Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng; chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao; công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh duy trì các thị trường hiện có, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển; công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam di cư tự do sang làm ăn, buôn bán tại các nước láng giềng được Chính phủ và các địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7 – 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.
Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị. Hằng năm, số ngoại tệ mà người lao động và chuyên gia gửi về nước không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước.
Đồng thời, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, vẫn còn những hạn chế như chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động tuy đã được tăng lên nhưng chưa cao và đồng đều. Tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều…
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, cần quán riệt rõ những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước. Đó là, đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động, việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và xu hướng của thời đại. Gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động, việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Về chủ trương, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu. Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về công việc này, coi đây là xu hướng tất yếu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia.
Cùng với đó, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước; chú ý đến cung – cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; quan tâm đến việc làm cho lao động ngoài nước về; xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững…
Đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là 3 thị trường lao động được nhiều người lựa chọn đi XKLĐ. Chia sẻ thông tin về tuyển dụng người đi XKLĐ, anh Phan Thanh Bình – Trưởng Văn phòng đại diện Ba Vì thuộc Công ty CP Phát triển nhân lực JIS cho hay: “Mỗi tháng chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 người lao động độ tuổi từ 18 – 40 đi XKLĐ tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Ứng viên tốt nghiệp từ THCS trở lên đều có thể tham gia làm các công việc về Cơ khí, Nhà hàng – khách sạn, Điều dưỡng; riêng ngành/nghề Quản trị kinh doanh và Kỹ sư cơ khí yêu cầu người lao động có trình độ từ cao đẳng.
Tại thời điểm này, Công ty Nhân lực Thuận Thảo đang cần tuyển nhiều người đi XKLĐ. Tại thị trường lao động Nhật Bản, người lao động có thể làm được nhiều công việc nhưng ứng viên ưu tiên lựa chọn Nhân viên nhà hàng – khách sạn, Chế biến thực phẩm, Gia công cơ khí… Đối với thị trường lao động Đài Loan, ứng viên cũng ưu tiên lựa chọn công việc trong xưởng Cơ khí. Về mức lương của người lao động làm việc tại thị trường lao động Đài Loan thấp hơn Nhật Bản một chút. Nhưng thị trường lao động Đài Loan lại được nhiều người lao động ưu tiên lựa chọn bởi không yêu cầu về tiếng và không phải chờ đợi thời gian dài.
“Mức lương làm việc ở Đài Loan tính theo tiền Việt Nam khoảng 25 đến 30 triệu đồng/tháng; lương làm việc tại Nhật Bản tầm từ 30 triệu đồng/tháng trở lên” – anh Trịnh Trung Đức là nhân viên Phòng Tuyển dụng Nhật Bản của Công ty Nhân lực Thuận Thảo cho hay.
Những người làm công tác việc làm cho biết, theo dõi thông tin thị trường lao động những năm qua cho thấy, rất nhiều người trẻ có mong muốn đi XKLĐ. Và thời điểm từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều bạn trẻ vẫn quan tâm đến chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Trước mong muốn nhiều bạn trẻ muốn đi xuất khẩu lao động nên chúng tôi đã bố trí cho tham gia các phiên giao dịch và tư vấn việc làm do UBND huyện Ba Vì phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức để tìm hiểu thông tin thị trường, có định hướng công việc và sự chuẩn bị về tiếng, kinh phí. Khi đến phiên, các bạn trẻ sẽ lấy thông tin XKLĐ của các DN, khi có nhu cầu thì trực tiếp liên hệ” – anh Mai Xuân Minh – Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho hay.
Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi về nước trở thành nguồn lực có chất lượng, giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Việc tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lực lượng này góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động cũng như giúp họ tiếp cận với các DN, nhất là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã được Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH Hà Nội thực hiện.
Kết quả, 12 năm qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức gần 90 hội chợ việc làm, phiên GDVL thu hút gần 2.000 DN tham gia tuyển dụng nhiều vị trí phù hợp. Kết quả đã có trên 17.000 người lao động khi trở về nước đã được kết nối, tư vấn vào những vị trí việc làm phù hợp với mức lương khá.
Các bạn trẻ đi XKLĐ làm nghề Cơ khí ở Nhật Bản trong thời gian 5 – 6 năm sẽ có nhiều kinh nghiệm làm nghề cộng với được rèn giũa tính kỷ luật và sự chính xác. Cộng với khả năng tiếng Nhật có trình độ N3 trở lên, khi trở về nước, các bạn dễ dàng trúng tuyển công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Nếu người lao động muốn khởi nghiệp thì mua máy móc về mở xưởng cơ khí và nhận hàng về làm. Trường hợp, người lao động sử dụng thành thạo tiếng Nhật Bản thì có thể làm giáo viên dạy tiếng Nhật cho những người có nhu cầu.
Trưởng văn phòng đại đại diện Ba Vì Công ty CP Phát triển nhân lực JIS Phan Thanh Bình