Đúng 10 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) gặp vô vàn trắc trở. Nhưng thông tin toàn bộ khu vực này có thể thành công viên, trường học một lần nữa khiến nhiều người dân mong chờ.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Nhựt – chủ tịch UBND quận Bình Tân – cho biết quận đang xin TP chủ trương dành toàn bộ diện tích đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau di dời để làm công viên, trường học thay vì một phần làm dịch vụ, thương mại như dự kiến ban đầu.
Trong 10 năm quy hoạch, những hộ dân sống trong khu nghĩa trang đều đau đáu giấc mơ khu vực này sớm di dời hết mộ và chỉnh trang để người rời đi và cả người ở quanh đó được an cư. Dù mới chỉ là dự kiến nhưng hầu hết người dân đều rất phấn khởi.
Theo ông Nhựt, ban đầu TP dự tính dành ra 12ha chức năng thương mại, nhà ở để hoàn vốn. Tuy nhiên, hiện nay quận nhận thấy rằng định hướng dự án lại làm công trình công cộng phục vụ người dân sẽ mang ý nghĩa lớn hơn.
Minh chứng thực tế cho định hướng xây dựng cụm sáu trường, với một quận đông dân nhất nhì TP.HCM, nhu cầu trường học cho các em nhỏ luôn thiếu hụt. “Số lượng lớp học trên địa bàn quận ngày một tăng, thời gian qua các lớp phải tăng số lượng học sinh hoặc giảm buổi học để tất cả đều được đến trường”, ông Nhựt tâm tình.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa khó khăn hơn so với những nghĩa trang đã thực hiện ở giai đoạn trước. “Khó khăn của dự án giờ đây không phải là tiền hay cách làm mà là không tìm được thân nhân dù đã bắt đầu lập trang web về dự án, đăng báo, làm cả phóng sự truyền hình phát ở nước ngoài”, ông Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.
Để tìm hướng đi cho nút thắt này, UBND TP.HCM đã thống nhất trình Ban thường vụ Thành ủy về bốc mộ tập trung trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án trong thời gian tới. Với sự quyết tâm và quyết liệt này, kỳ vọng về sự chuyển mình của nghĩa trang lớn nhất TP sẽ không còn là nỗi khát khao.
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 12km, nghĩa trang Bình Hưng Hòa được mở trước năm 1975 trên diện tích 44ha và là nơi chôn cất khoảng 70.000 ngôi mộ. Đầu năm 2011, nghĩa trang bị đóng cửa để chuẩn bị bồi thường, di dời giải tỏa với 58 hộ dân bị ảnh hưởng.
Năm 2013, dự án chính thức nằm trong danh sách được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 với kinh phí đầu tư gần 2.500 tỉ đồng. Việc di dời nghĩa trang cũng tạo bộ mặt đô thị, giải quyết tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội tại khu vực.
Dự kiến toàn bộ khu đất tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ làm công viên cây xanh, quảng trường và hai cụm trường học (sáu trường) để 300.000 người dân bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều năm qua thụ hưởng sự thay đổi.



Trường tiểu học trên đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang dần thành hình
Trên nền đất từng là nghĩa trang lớn nhất TP.HCM, trường tiểu học Trần Đại Nghĩa đang dần thành hình, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của phường Bình Hưng Hòa trong chỉnh trang đô thị và phát triển hạ tầng giáo dục.
Những ngày gần đây, khu vực từng là nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, TP.HCM) đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ. Trên mảnh đất vốn gắn liền với mồ mả, cây cỏ, một công trình đang dần hình thành: Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa, ngôi trường đầu tiên được xây dựng trên nền đất nghĩa trang cũ.


Không còn là hình ảnh cỏ dại um tùm và những dãy bia mộ xếp lớp, khu đất rộng lớn giờ đây đã được quây tôn, treo bảng thông tin dự án mới và vang vọng tiếng động cơ, tiếng búa gõ, tiếng công nhân làm việc rộn ràng.


Dự án xây dựng trường tiểu học Trần Đại Nghĩa tọa lạc trên đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa. Đây là một phần trong tổng thể quy hoạch sử dụng lại đất sau khi di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khu nghĩa trang hình thành từ những năm 1970, rộng 44,5 ha với gần 54.000 ngôi mộ.
Từ năm 2010, TP.HCM đã chủ trương di dời nghĩa trang này nhằm phục vụ mục tiêu chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống.


Dự án di dời được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2010, chia làm ba giai đoạn. Hai giai đoạn đầu đã hoàn thành, di dời hơn 32.000 ngôi mộ và lò thiêu trên gần 30 ha. Những phần mộ không còn thân nhân được xử lý bằng phương pháp hỏa táng, lưu tro cốt tập trung theo đúng quy định. Giai đoạn ba đang được triển khai và dự kiến hoàn tất vào năm 2026.

Giữa tiến trình đó, trường tiểu học Trần Đại Nghĩa là dự án xây dựng đầu tiên khởi công trên mảnh đất vừa được “hồi sinh”. Công trình bắt đầu từ tháng 5-2025, hiện đang trong giai đoạn thi công phần móng và trụ.
Theo ghi nhận những ngày giữa tháng 7, hàng chục công nhân đang làm việc không ngơi nghỉ dưới nắng gắt, cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại, đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành vào cuối năm nay.

Trường tiểu học được thiết kế gồm 1 trệt, 3 lầu, với tổng cộng 30 phòng học tiêu chuẩn, đầy đủ các phòng chức năng như phòng bộ môn, khu hành chính, thư viện, cùng khuôn viên sân chơi rộng rãi.


Trường tiểu học Trần Đại Nghĩa là công trình đầu tiên trong chuỗi dự án phát triển hạ tầng giáo dục – cây xanh – thể dục thể thao tại khu vực nghĩa trang cũ. Theo quy hoạch, sau ngôi trường này, một trường THCS quy mô 41 phòng học sẽ tiếp tục được triển khai.
Phần diện tích còn lại sẽ được quy hoạch thành công viên cây xanh và khu thể thao ngoài trời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí và nâng cao sức khỏe cho cư dân địa phương.


Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án cải tạo, xây dựng trường học và công viên tại khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa là gần 1.500 tỉ đồng, do ngân sách TP.HCM chi trả. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân (cũ). Toàn bộ kế hoạch được triển khai từ năm 2023 đến 2026.